. Bông giờ, loại hoa chứa đựng tinh túy hồn quê người nông thôn Phú Yên

Bông giờ, loại hoa chứa đựng tinh túy hồn quê người nông thôn Phú Yên


Mỗi độ thu về, trong những khu vườn, đám rẫy, bờ rào vùng nông thôn Phú Yên lại nở rộ lên một loài hoa dân dã mà chứa đựng bao tinh túy của hồn quê. Đó là bông giờ, một loài hoa mỗi năm chỉ nở một lần và có biết bao nhiêu điều đặc biệt mà chỉ có những ai đã từng tiếp xúc qua mới có thể cảm nhận được.


Bông giờ là một loài hoa chỉ mọc ở nông thôn Phú Yên (Ảnh: Sưu tầm)


Một sáng cuối thu, mưa bay bay, gió bấc thốc nhẹ, trong bờ rào nhà tôi chợt rực lên những bụi hoa sắc tím nhụy vàng. Những đụn hoa mới nhô lên từ lòng đất như những ngôi biệt thự trong vườn cổ tích. Đó là lúc bông giờ đang nở.

Dân quê ai cũng biết, từ bao đời nay, bông giờ mỗi năm chỉ một lần nở. Hoa nở không phải để cho người đời chiêm ngưỡng sắc hương và cũng không uổng phí đời hoa khi cánh tàn nhụy rữa. Hoa nở để làm hương vị nồng nàn cho những bát canh rau dân dã tập tàng thơm ngát tình quê.

Đất quê dâng cho đời muôn vàn hoa thơm cỏ lạ. Các loài cây cỏ thông thường từ đất mọc lên, cây đâm cành rồi mới ra hoa kết trái. Nhưng duy nhất chỉ có loài bông giờ, một loài có đặc điểm hiếm thấy là từ đất mọc lên đã là hoa, từ hoa nức ra lá, khi lá sum suê cũng là lúc hoa tàn. Một loài hoa không phải nhọc công vun trồng chăm sóc, bởi nó không cần tưới nước bón phân. Và chỉ mọc ở đất vườn, đất nhà ở chứ không phải bất kỳ nơi đâu cũng mọc.

Hoa bông giờ


Như có phép lạ, loài hoa trồng một lần rồi cứ tự phát tán, lây lan như nấm, mọc chen chúc dưới thân những bụi bồ ngót, táo nhơn, hàng rào dâm bụt. Hoa chỉ nở vào mùa thu và chỉ một lần nở khi gặp một cơn mưa đầu mùa làm mềm đất. Đất sinh ra hoa, hoa tạo ra lá.

Ít có loài hoa nào mà hoa, lá, củ đều hữu dụng, không bỏ thứ gì. Hoa lá bông giờ dùng để nấu canh, củ bông giờ ngày xưa dùng chế biến thành bột huỳnh tinh để dành chữa bệnh kiết lỵ hoặc dùng uống giải nhiệt, cấp cứu khi bị thương hàn, nóng sốt, khi đi chạy hay trỉa bắp tôi cũng thường hay bắt gặp, đào lên phủi phủi cứ thế mà ăn, củ có hương vị ngọn thanh, hơi nhớt, ăn vào rất mát.

Củ bông giờ

Chú kỳ của bông giờ 1 năm chỉ có một lần duy nhất vào mua thu, sau cơn mưa đầu mùa là bông giờ mọc lên trước, bông giờ tàn đi thì lá bông giờ bắt đầu mọc lên vào mua đông (Lá bông giờ tựa như lá cây gừng), trông những bờ rào là bông giờ vươn lên rất cao, ngày xưa tôi hay đi hái lá bông giờ về cho heo ăn. Hết mua đông không ai còn thây bông giờ đâu nữa, chỉ còn lại củ bông giờ nằm lại dưới mặt đất, đợi mùa thu năm sau.

Những bụi bông giờ sau khi hết bông

Không biết từ bao giờ, bông giờ trở thành món ăn đặc sản của người dân vùng nông thôn, để có một bát canh bông giờ thơm ngon, khi phát hiện những giề bông vừa nhú lên từ đất, phải đợi cho hoa nở đều từng cánh. Thời chưa có tủ lạnh, khi hái bông giờ tôi thường dùng ngọn lá chuối tươi lót vào lòng rổ, rồi nhẹ nhàng nhón rút từng vòi bông, xếp nằm từng lớp, cuốn lại để giữ cho tươi lâu, ăn nhiều ngày. Hoa nở, gặp lúc mưa dầm, phải đội mưa, nhanh tay hái để tránh cát nhảy vào bì hoa, rửa không sạch, ăn canh phải sạn.

Mặc dù, không phải là nguyên liệu chính cho những nồi canh. Bông giờ trong những bữa canh quê, mỗi năm chỉ có dịp ăn ít ỏi đôi ngày nhưng là những bữa canh nhớ đời bởi nó là một thứ gia vị tạo nên hương vị không lẫn bất cứ loại gia vị đồng quê nào khác. Những nồi canh chua cá ngạnh nấu với lá me non đầu mùa, rau bông giờ luộc chấm mấm ớt..... Chỉ cần một vốc đậu phộng tươi giã nhỏ, khi nấu canh có màu nước trắng đục nêm vừa, ăn với chút muối é trắng (giã với ớt cay), chúng ta sẽ có bát canh thơm lừng mùi bông giờ, ngon ngót vị bồ ngót, cay cay mùi é đồng.

Món cá ngạnh nâu chua nêm với bông giờ

Lâu ngày được ăn canh bông giờ lạ miệng, no bụng vẫn cứ thèm cơm. Đó là cách cảm nhận của một người nhà quê mỗi độ thu đến, khi những cơn mưa rào khẽ trút độ đầu thu, làm đất ướt cả những không gian quanh nhà, là nơi bắt đầu của một điều thi vị.

Cho đến tận bây giờ bông giờ vẫn giữ được hồn quê, những người con của làng tôi xa quê lên thành thị hơn nửa cuộc đời nhưng không bao giờ quên, hàng năm đến mùa gia đình, vẫn gửi bông giờ lên thành thị làm quà. Đặc biệt người thân còn gửi cả  bông giờ sang tận các nước châu Âu, châu Úc...cho người thân xa quê hàng chục năm.

Bông giờ rất đẹp

Thôi thì ai nghĩ sao cũng được, riêng tôi, tôi xem bông giờ là tỉnh hoa của Phú Yên, loài hoa giống như con người nơi đây vậy. Thật thà, chịu thương chịu khó, mến khách. Không quá đẹp nhưng dễ thương, không giàu có xa hoa nhưng mặn mà nhân nghĩa. Sống bình thường trong thời cuộc nhưng gặp môi trường thích hợp thì cũng chẳng kém ai....

Nguyễn Khánh Dương

1 Nhận xét

Tin liên quan